Green Marketing - Trà sữa Bobapop có đang đi ngược lại tuyên ngôn thương hiệu của mình?

Lời tuyên ngôn thương hiệu (Brand Manifesto) là lời tuyên bố về nguyên tắc và giá trị của thương hiệu tới người tiêu dùng, như một cầu nối tính cách thương hiệu tới cộng đồng. Bởi vậy việc giữ lời hứa về những nguyên tắc và giá trị này có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Hãy cùng tham khảo case study nhỏ dưới đây về tầm quan trọng của lời tuyên ngôn thương hiệu nhé.

Mới đây, cái tên đình đám trong giới trà sữa Bobapop phát đi một "chiến dịch" marketing, mục tiêu chính dự đoán để thúc đẩy sales cho sản phẩm của mình. Cụ thể: 


Chương trình có tên:

"ĐỔI DẤU TÍCH ĐIỂM - TẶNG BOBA PLASTIC BAG 
Các điều kiện đổi quà như sau:
1. Đổi 3 dấu tích điểm cùng 1 cửa hàng Bobapop mà bạn muốn đổi quà. (Mua 1 cốc sẽ được 1 tích)
2. Mua 1 trong 3 loại nước Rainy Season"

Hoặc nói ngắn gọn lại có thể hiểu: Mua 4 cốc trà sữa (tương đương 4 cốc nhựa và 4 ống hút nhựa) để được tặng 1 túi nhựa.

Bạn có nhận ra điều gì không?

Trong khi cả thế giới đang chung tay bảo vệ môi trường bằng nhiều cách như:

- Thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa
- Mua đồ có bao bì hộp giấy thay vì chai/hộp nhựa
- Dùng chai lọ thủy tinh hay đồ dùng như đũa, muỗng, nĩa có thể tái sử dụng
- Mua số lượng lớn để giảm thiểu túi nilong
- Hạn chế tích trữ bằng cách đông lạnh thực phẩm
- ...

thì Bobapop lại đi ngược lại. 

Bên cạnh đó như nhiều người đã biết, Bobapop luôn tuyên bố là thương hiệu đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Trước kia, Bobapop cũng đã có campaign thay túi nhựa bằng túi vải. Nhưng có vẻ như lần này, hãng trà sữa nổi tiếng "ít thị phi" đã hơi vội vàng khi triển khai chương trình, có lẽ họ chỉ nghĩ plastic bag này là một item thời trang đang rất trendy mà quên mất tuyên ngôn thương hiệu của mình. 

Hay chiếu ngược lại, quai vải của Bobapop có thể cũng làm từ sợi polyester - loại sợi nhân tạo, gần như không bị phân huỷ và biến mất (vì thành phần cấu tạo nên sợi này có gốc từ dầu hoả)...

Thêm nữa, các thương hiệu lớn thuộc các công ty lớn đều đang sử dụng Green Marketing (tiếp thị xanh - hoạt động tiếp thị sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường) trong từng chiến dịch, trong từng thông điệp mà họ truyền đi: Nestlé (Nescafé, Milo, Nestea), Heineken (Heineken, Tiger), Unilever (OMO, Lifebuoy, P/S, Lipton, Knorr,...). 
Có thể lấy ví dụ như: 

- Sản phẩm Comfort Một Lần Xả giúp đóng góp rất nhiều vào việc bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước cho quốc gia, với công thức đặc biệt giúp xả sạch bọt và xà phòng từ ngay nước xả đầu tiên thay vì phải xả 3 đến 4 lượt nước. Công việc giặt giũ tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi năm bạn phải giặt xả trung bình 7.000 chiếc áo quần và cần dùng tới 14.400 lít nước để xả đồ, bằng với lượng nước của một hồ bơi. Việc sử dụng Comfort Một Lần Xả giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 130 triệu mét khối nước/năm (Theo baomoi.com)

- Năm 2017, HEINEKEN Việt Nam hầu như không có chất thải cần chôn lấp trong hoạt động sản xuất - 99,01% phụ phẩm và phế liệu được tái sử dụng hoặc tái chế, chỉ khoảng gần 1% thất thoát hoặc được đem đi chôn lấp (Theo Báo cáo Phát triển Bền vững của HEINEKEN Việt Nam)

Rồi rất nhiều những chiến dịch tiếp thị đang hàng ngày hàng giờ được phổ biến để cứu lấy tình trạng Trái Đất đang ngày một xấu đi.

Vì vậy nên những hành động như bài post này của Bobapop bị cư dân mạng coi là đang "Đẩy mạnh sản xuất và thải plastic?" với "dòng chữ "plastic" được in đậm như kiểu rất tự hào"? trong khi có những sáng kiến tuyệt vời để bảo vệ môi trường như ống hút tre, cọ rửa sơ dừa, thìa dừa hay hộp cơm làm từ bã mía... 

Có thể thấy trà sữa Bobapop lần này đang mất điểm thật sự. Ngay cả những fan ruột của Bobapop nếu để ý thì có thể sự ủng hộ sẽ giảm đi bởi lời tuyên bố về nguyên tắc và giá trị của hãng trà sữa này có lẽ đã bị lung lay ít nhiều trong tâm trí của một bộ phần người tiêu dùng. Giả dụ nếu có một ai đó post lên các group review đồ ăn, thức uống hoặc "bóc phốt" trên tường cá nhân thì có thể khủng hoảng nhỏ sẽ xảy ra không sớm cũng muộn. Hầu hết các hãng trà sữa khác mặc dù đều sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và túi nhựa mang về. Nhưng họ không educate, không "marketing túi nhựa" công khai như vậy. 

Đây sẽ là một bài học nhỏ về tầm quan trọng của việc giữ lời hứa về những nguyên tắc và giá trị của thương hiệu cũng như việc xây dựng thương hiệu bởi ngày nay, khách hàng luôn có chủ kiến và phong cách riêng của mình, họ chỉ mua và sử dụng những thương hiệu thể hiện được con người, tính cách của họ. Nhưng nếu như tính cách của thương hiệu một ngày nào đó bị hằn lên "những ấn tượng xấu", "đánh mất bản chất" từ những sự việc nhỏ như thế này, thì khách hàng có còn tin yêu, ủng hộ và sử dụng sản phẩm của thương hiệu đó hay không?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thông điệp truyền thông của Omo: "Dirty is Good" - Giá trị của sự lấm bẩn

Câu chuyện thương hiệu của Coca Cola: "Sống trọn cùng cảm xúc!"

Làm planning là làm gì? Strategic planner - Account planner trong agency